Phương pháp đầu tư giá trị

0
2353

Nội dung của phương pháp đầu tư giá trị

Đầu tư giá trị hiểu một cách rất đơn giản là cách tìm ra cổ phiếu có giá đang giao dịch thấp hơn giá trị thực của chúng. NĐT giá trị là người chuyên săn lùng những món hời. Họ không thích rủi ro và không thích trả đúng giá cho bất kỳ món đồ nào, họ sẽ mua các CP không còn được thị trường ưa thích và giá đã tụt dốc. NĐT giá trị là người cần có sự kiên nhẫn, họ có thể kiên nhẫn chờ đợi niềm tin của thị trường hồi phục. Cái mà họ tìm kiếm là cổ phiếu được định giá thấp hơn so với tăng trưởng doanh thu trong quá khứ và triển vọng tăng trưởng doanh thu trong tương lai. Cả trong lý thuyết và thực tế, đầu tư giá trị là phương pháp có nguy cơ rủi ro thấp nhất trong các phong cách đầu tư.

Cổ phiếu thường có xu hướng trải qua những chu kỳ dưới giá trị và trên giá trị. Trên giá trị có thể đạt được khi thị trường tăng trưởng tốt, dòng tiền dồi dào, tâm lý NĐT hưng phấn. Dưới giá trị là kết quả của sự bi quan, sự thất vọng  kéo theo, cái mà NĐT giá trị nổi tiếng nhất thế giới Warren Buffett miêu tả: “ Nguyên nhân phổ biến nhất khiến mức giá xuống thấp là sự bi quan lan rộng, đôi khi chỉ xảy ra ở một công ty hay một ngành nào đó. Chúng ta muốn kinh doanh trong một ngành như vậy không phải vì chúng ta thích sự bi quan mà là vì chúng ta thích mức giá trong đó. Chính sự lạc quan là kẻ thù của các nhà đầu tư khôn ngoan”. Ngoài ra, cổ phiếu dưới giá trị còn do các yếu tố khác như tính chu kỳ của ngành, hoặc do những nguyên nhân cụ thể như sản phẩm thất bại tạm thời, tác động tiêu cực của những tin đồn. Có rất nhiều nguyên nhân và do vậy cũng có rất nhiều cổ phiếu dưới giá trị để NĐT theo trường phái này lựa chọn. Điều quan trọng và then chốt là cần phải tìm ra những công ty dưới giá trị và có khả năng hồi phục hay nói cách khác là cần mua những cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng cao nhất với số vốn đầu tư ít nhất. Những chương trình sàng lọc có thể giúp bạn tìm ra các cổ phiếu giá trị theo các tiêu chí của bạn.

Để là một nhà đầu tư giá trị thành công, bạn cần có các phẩm chất như kiên nhẫn, cần đầu tư nhiều thời gian, luôn lạc quan…NĐT giá trị là NĐT dài hạn điển hình vì họ cần nhiều thời gian nghiên cứu thị trường để phát hiện ra một cổ phiếu dưới giá trị, mua và chờ đợi cho đến khi nó hồi phục giá trị mới bán, đó là một khoảng thời gian rất dài. Các NĐT giá trị thường đi ngược lại xu hướng niềm tin của các NĐT khác. Họ mua những cổ phiếu mà họ tin tưởng trong khi giới đầu tư không bao giờ tin tưởng. Do đó, phương pháp đầu tư này cũng đòi hỏi bạn cần có tính kỷ luật, khả năng số học tính toán tốt trong khi không đòi hỏi cao khả năng chịu rủi ro và kỹ năng đọc biểu đồ.

Nghiên cứu cổ phiếu giá trị: Cổ phiếu giá trị là cổ phiếu có P/E thấp hơn tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận. Chẳng hạn, nếu một cổ phiếu có tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận là 20% thì nó phải có P/E nhỏ hơn 20 thì mới được coi là cổ phiếu giá trị. Một cổ phiếu có P/E hiện tại thấp hơn mức trung bình trong quá khứ hoặc thấp hơn so với trung bình ngành cũng là một cổ phiếu giá trị. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất vẫn là P/E hiện tại phải thấp hơn tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận. Khi các đặc điểm này không còn thì cũng chính là lý do để bạn bán cổ phiếu.

Đọc thêm  Bộ tiêu chí lựa chọn cổ phiếu CANSLIM

Quy trình đầu tư giá trị

Lựa chọn cổ phiếu là bước quan trọng nhất trong quy trình đầu tư giá trị. Bạn cần có chiến lược lựa chọn để tìm ra được cổ phiếu giá rẻ. Bạn cần tìm kiếm những cổ phiếu có giá trị nội tại, có tiềm năng và được định giá thấp hơn so với mặt bằng cổ phiếu tương tự. Bạn cần tìm ra các cổ phiếu có P/E thấp hơn tỷ lệ tăng trưởng EPS.Cụ thể, NĐT có thể tham khảo cách nhận diện cổ phiếu giá trị thông qua các yếu tố cơ bản như sau:

  1. Tỷ số P/E thấp.

Thứ nhất: Thấp ở đây có thể so sánh với tỷ số bình quân của ngành hay các đối thủ cạnh tranh lớn ở trong nước và các nước khác trong khu vực giống nhau về hoàn cảnh.

Thứ hai: Thấp ở đây là so sánh với tỷ lệ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận

Thứ ba: Thấp so với các tỷ số P/E trong quá khứ của chính công ty.

  1. Tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận trong quá khứ và dự kiến trong tương lai cao.
  2. Giá cổ phiếu đang thấp hơn giá trị sổ sách, thấp hơn so với lịch sử giá hoặc giá cổ phiếu đang thấp hơn đường trung bình động 200 ngày.
  3. Cổ phiếu đang được cổ đông nội bộ thu gom mạnh để chứng tỏ những người điều hành cũng nhìn thấy tiềm năng tăng trưởng của công ty.
  4. Tỷ suất lợi nhuận/ vốn đầu tư. Chỉ số này cho thấy mức độ hiệu quả trong đầu tư của công ty.
  5. Tỷ số nợ/ vốn; lợi nhuận/ nợ. Chỉ số về nợ cũng quan trọng vì nó cho thấy nếu tình hình kinh doanh và lợi nhuận không đạt được như kỳ vọng thì công ty có khả năng trả được những món nợ đến hạn không?
  6. Tái đầu tư: Nếu công ty kinh doanh hiệu quả, đạt tỷ suất lợi nhuận/ vốn chủ sở hữu cao thì công ty nên giữ phần lớn lợi nhuận lại để tái đầu tư, thay vì đem chia cổ tức hết. Khi đó, công ty sẽ trở thành một ”máy in tiền” với tốc độ ngày càng cao nhờ hiệu ứng tuyệt vời của lãi suất kép.

Dựa vào những nguyên tắc và tiêu chí nói trên, bạn sẽ tìm ra được một danh sách khá nhiều các cổ phiếu giá trị, tiếp theo bạn cần sàng lọc tinh hơn để thu gọn danh sách này về khoảng 5-8 cổ phiếu có giá trị nhất. Để tinh lọc, bạn có thể sử dụng những câu hỏi trong bảng sau:

CÂU HỎI TỐT KÉM
Cổ phiếu có dấu hiệu bắt đầu đà tăng trưởng không? Không
Tỷ số P/E so với tốc độ tăng trưởng EPS của cổ phiếu? Thấp hơn nhiều Bằng hoặc cao hơn
Tỷ số P/E so với trung bình ngành và/hoặc so với VNindex? Bằng hoặc thấp hơn Cao hơn
Giá cổ phiếu hiện tại như thế nào trong mối quan hệ với xu hướng giá dài hạn của cổ phiếu? Thấp hơn Cao hơn
Các nhà phân tích đánh giá cao hay thấp? Cao Thấp
Có bao nhiêu nhà phân tích dự đoán chỉ số EPS trong tương lai? Nhiều hơn 5 Ít hơn 5
Những biến động doanh thu mang tính tích cực hay tiêu cực Tích cực Tiêu cực
Những lời khuyên thường là mua, giữ hay bán cổ phiếu? Hầu hết là mua Lời khuyên giữ nhiều hơn mua
Thông tin gần đây về công ty là tốt hay xấu? Tin tốt Tin xấu
Gần đây có giao dịch nội bộ nào không? Số lượng người mua nhiều hơn hay người bán nhiều hơn? Số lượng  người mua nhiều hơn Số lượng người bán nhiều hơn
Ngành này đang hoạt động ở mức nào Trên trung bình Dưới trung bình
Đọc thêm  Cách tìm kiếm cổ phiếu tăng trưởng

 

Chiến lược thời điểm mua vào: Tìm kiếm dấu hiệu hồi phục. Thời điểm mua vào đặc biệt quan trọng trong đầu tư giá trị, bạn cần thấy được cổ phiếu bạn mua không còn xu hướng giảm giá nữa. Khi cổ phiếu giá trị đã trải qua xu hướng giảm giá dài hạn hoặc sẽ đạt tới mức giá mà tại đó, giá trị tương lai của cổ phiếu sẽ hấp dẫn NĐT. Điểm quan trọng ở đây là bạn cần mua vào cổ phiếu vào thời điểm xu hướng giảm giá kéo dài kết thúc. Dấu hiệu đi lên tích cực là cách duy nhất để khẳng định rằng cổ phiếu có xu hướng tăng nhiều hơn là giảm. Có một chỉ số đơn giản giúp bạn đánh giá xu hướng giảm đã kết thúc là đường trung bình. Nếu đường trung bình động 50 ngày tăng và cắt lên đường trung bình động 200 ngày thì xu hướng ngắn hạn đã thay đổi đi lên.

Chiến lược bán ra: Giúp bạn tránh được sai lầm và đạt được thành công. Trong đầu tư giá trị, chiến lược bán ra rất quan trọng và độc đáo. Bạn cần một chiến lược giúp mình bán một cổ phiếu nhanh chóng nếu giá vẫn tiếp tục giảm trong dài hạn. Bạn cũng cần một chiến lược giúp mình rút lui khỏi thị trường khi thành công. Khi cổ phiếu có P/E vượt xa tốc độ tăng trưởng, có nghĩa bạn đã lựa chọn đúng, bạn nên bán cổ phiếu để thu lợi nhuận và tìm kiếm một cổ phiếu khác có đặc điểm giá trị tốt hơn. Ngược lại, đôi khi bạn vẫn không thể tránh được sai lầm cho dù bạn có nghiên cứu sâu và phân tích cẩn thận. Thay vì tăng giá như bạn kỳ vọng, giá cổ phiếu lại giảm. Một cổ phiếu tưởng như cổ phiếu giá trị hóa ra lại là cổ phiếu suy giảm bởi dòng sản phẩm hay triển vọng kinh doanh của công ty tiếp tục suy giảm. Vì vậy, bạn cần một chiến lược bán ra để thoát khỏi sự đầu tư kém hiệu quả, bảo toàn vốn và giảm lỗ ở mức tối thiểu. Chiến lược bán ra đơn giản nhất là bạn sử dụng dấu hiệu ngược lại của các dấu hiệu mua cổ phiếu. Nếu bạn đã mua một cổ phiếu khi đường trung bình động 50 ngày cắt đường trung bình động 200 ngày lên phía trên, bạn có thể bán ra khi đường trung bình động 50 ngày cắt đường trung bình động 200 ngày xuống phía dưới.

Các chiến lược quản lý danh mục đầu tư giá trị

Đa dạng hóa cổ phiếu và ngành đầu tư: Để giảm thiểu rủi ro cho danh mục đầu tư, NĐT cần đầu tư vào nhiều ngành khác nhau.

Quản lý thường xuyên danh mục đầu tư: Quá trình thiết lập danh mục đầu tư giá trị đòi hỏi cần đầu tư nhiều thời gian và công sức, nhưng việc quản lý hàng ngày lại cần ít thời gian hơn. Khoảng thời gian nắm giữ cổ phiếu giá trị thông thường là dài, trải qua nhiều tháng đến nhiều năm, nhưng việc quản lý từng cổ phiếu chỉ cần tuần một lần. Nếu cổ phiếu đi đúng hướng mà chúng ta mong đợi, nó sẽ tăng đến một điểm mà tại đó nó không còn là cổ phiếu giá trị nữa. Khi đó, bạn cần loại bỏ những cổ phiếu không còn là cổ phiếu giá trị và có thể mua vào các cổ phiếu giá trị tiềm năng. Bạn nên xem xét tổng thể danh mục đầu tư cổ phiếu của mình ít nhất ba tháng một lần sau khi công bố doanh thu hàng quý. Hãy cảnh giác với những biến động lớn của giá cổ phiếu để xem bạn có cần điều chỉnh gì không.

Luôn đầu tư toàn bộ nếu có thể: NĐT giá trị luôn muốn đầu tư toàn bộ số tiền mình có, bởi những cổ phiếu giá trị có vốn hóa lớn có đặc điểm ít rủi ro. Do đó, họ không có lý do gì để duy trì một lượng tiền mặt lớn cả.

Đọc thêm  Đầu tư theo đà tăng trưởng

Lời khuyên để đầu tư giá trị thành công:

  1. Hãy tách cảm xúc ra khỏi quá trình đầu tư: Đây là quy tắc số một cho bất cứ NĐT nào. Hãy đánh giá cổ phiếu theo đúng bản chất của nó;
  2. Đừng lo sợ khi bị lỗ: Tất cả các NĐT đều có thể sai lầm, kể cả NĐT chuyên nghiệp, vì vậy đừng lo sợ khi bị lỗ. Hãy sử dụng các tín hiệu mua vào hay bán ra để thoát khỏi cổ phiếu đó;
  3. Hãy cảnh giác với những đợt biến động giá lớn: Khi điều này xảy ra bạn cần kiểm tra xem liệu cổ phiếu đó có còn là cổ phiếu giá trị không? Hãy ghi nhớ: nếu không muốn mua cổ phiếu đó ở mức giá hiện tại khi so sánh với những đặc điểm giá trị của nó, bạn nên xem xét việc bán ra;
  4. Đừng để con số tuyệt đối ám ảnh: Đừng mua cổ phiếu đó chỉ vì nó có tỷ số P/E thấp ví dụ P/E = 5. Điều mà bạn cần quan tâm là mối tương quan giữa tỷ số P/E với tốc độ tăng trưởng doanh thu trong quá khứ và dự kiến trong tương lai.
  5. Tìm kiếm những nhóm ngành giá trị: Đôi khi, toàn bộ một ngành có thể bị đánh giá thấp hơn giá trị thực và đó là cơ hội săn tìm những cổ phiếu giá trị. Để tìm được ngành nghề hay lĩnh vực bị đánh giá thấp, bạn nên chú ý tới các bản tin tài chính, báo cáo chiến lược hay phân tích của công ty chứng khoán…
  6. Khi bạn tìm thấy ngành nghề hay lĩnh vực bị đánh giá thấp, hãy quan sát biểu đồ để xem ngành đó đang ở vị trí nào trong xu hướng, bạn cần kiểm tra P/E trung bình của ngành. Sau đó, tìm những nhóm cổ phiếu bị định giá thấp.
  7. Tìm kiếm những công ty đang tăng lợi nhuận: Lợi nhuận tăng là dấu hiệu cho thấy công ty đang hoàn thiện hoạt động, có tiềm năng lớn để tăng giá.
  8. Tìm kiếm cổ phiếu giá trị trong những ngành đang nổi lên: Những ngành đang nổi lên là những ngành có lợi thế về công nghệ như công nghệ sinh học hay mạng viễn thông. Các công ty trong những ngành như vậy có thể bị định giá thấp nếu có một sản phẩm gây thất vọng hay gây cản trở, hoặc do thị trường vừa vào nhịp chỉnh khá. Để tìm cổ phiếu trong một ngành đang nổi lên, bạn hãy tìm kiếm những công ty có giá trị hiện tại cao nhất so với những gì công ty đạt được trong quá khứ.

Ưu nhược điểm của phương pháp đầu tư giá trị

Ưu điểm: là giúp NĐT chọn lọc được những cổ phiếu có cơ bản tốt, có triển vọng và giá thành đang hấp dẫn. Mức rủi ro thấp nhất, thời gian theo dõi danh mục ít.

Nhược điểm: Thời điểm mua vào và bán ra cổ phiếu có độ chính xác không cao, vì giả sử khi thị trường đang xuống mạnh khi đó chúng ta tưởng đã mua được cổ phiếu giá hời nhưng nhiều lúc giá cổ phiếu còn có thể giảm hơn nhiều nữa. Thứ hai là thời gian đầu tư dài; để một cổ phiếu đang có thị giá thấp hơn giá trị tăng lên và tăng cao hơn giá trị có khi mất vài năm và lúc đó mọi điều kiện kinh tế, môi trường đã khác so với thời điểm đầu tư. Do đó, khi thời gian đầu tư dài thì rủi ro khoản đầu tư cũng tăng lên. Bên cạnh đó để hiểu rõ các yếu tố cơ bản của công ty thì một NĐT cũng khó có thể làm được mà cần một nhóm NĐT có chuyên môn cùng làm, thậm chí đến tận doanh nghiệp để tìm hiểu và cũng cần thường xuyên theo dõi cập nhật tin tức về doanh nghiệp.

Chungkhoanviet.net