Margin là gì? Lợi và hại khi sử dụng Margin

0
2960

Margin là gì?

Margin là một thuật ngữ trong chứng khoán có nghĩa là ký quỹ. Margin là một trong những sản phẩm dịch vụ của các công ty chứng khoán cho nhà đầu tư chứng khoán vay tiền căn cứ vào số tiền nhà đầu tư có trong tài khoản theo một tỷ lệ nhất định và tài sản đảm bảo cho khoản vay này chính là tiền và chính chứng khoán được mua bằng khoản vay đó. Khi sử dụng dịch vụ margin từ công ty chứng khoán nhà đầu tư phải trả lãi suất cho khoản vay giống như việc bạn đi vay ngân hàng vậy, thông thường lãi suất cho vay khoảng 14%/năm.

Không phải bất kỳ cổ phiếu nào trên 3 sàn cũng được các công ty chứng khoán cho vay mà tùy từng mã chứng khoán và phải thỏa mãn một số điều kiện nhất định do Ủy ban chứng khoán quy định như: thời gian niêm yết từ 6 tháng trở lên, không có lỗ lũy kế hoặc lỗ tại kỳ xem xét, không bị cảnh báo, bị kiểm soát, nợ thuế… Các công ty chứng khoán phải căn cứ vào danh sách các cổ phiếu được phép giao dịch ký quỹ do Ủy ban chứng khoán công bố mới được phép cho vay giao dịch ký quỹ. Định kỳ 6 tháng một lần, Ủy ban chứng khoán xem xét đánh giá lại danh sách các mã cổ phiếu được phép giao dịch ký quỹ dựa trên các tiêu chí ban đầu.

Margin phóng đại lãi/lỗ như nào?

Ví dụ: Có 2 nhà đầu tư A và B cùng có 50tr đồng trong tài khoản mua cổ phiếu MNQ với giá 20.000đ. Nhà đầu tư A không sử dụng margin và NĐT B sử dụng margin với tỷ lệ 50%(1:2).

Số cổ phiếu tối đa mà NĐT A có thể mua được là 50tr/20.000 = 2.500CP.

Đọc thêm  Bảng giá chứng khoán

Số cổ phiếu tối đa mà NĐT B có thể mua được là 100tr (50tr vốn tự có + 50tr tiền vay)/20.000 = 5.000 CP.

Xét trường hợp 1: Khi cổ phiếu MNQ tăng giá lên 30.000 cả A và B cùng bán chốt lời

  • Số tiền lời mà nhà đầu tư A thu được là: 2.500 x (30.000-20.000) = 25tr (đồng). Tỷ suất lợi nhuận trên vốn ban đầu là 25/50=50%
  • Số tiền lời mà nhà đầu tư B thu được là: 5.000 x (30.000-20.000) = 50tr(Đồng). Tỷ suất sinh lời trên vốn đầu tư là : 50:50=100%

Ví dụ trên ta thấy cùng một số vốn đầu tư như nhau nhưng nhà đầu tư B (sử dụng Margin) thu được lợi nhuận gấp đôi so với nhà đầu tư (A) không sử dụng margin.

Xét trường hợp 2: Khi giá cổ phiếu MNQ giảm chỉ còn 10.000. Cả A và B cùng bán cắt lỗ

  • Số tiền lỗ của nhà đầu tư A là: 2.500 x (10.000-20.000) = -25tr (Đồng).
  • Số tiền lỗ của nhà đầu tư B là: 5.000 x (10.000-20.000) = -50tr (Đồng). Khoản lỗ này đã làm cháy tài khoản của nhà đầu tư

Ví dụ trên minh họa cho 2 trường hợp sử dụng và không sử dụng margin với giả định rằng khi giá giảm công ty chứng khoán không bắt bổ sung thêm tài sản ký quỹ. Tuy nhiên trong thực tế, nếu giá cổ phiểu giảm xuống so với mức giá mua ban đầu làm số tiền ký quỹ giảm xuống nhỏ hơn một tỷ lệ nhất định, công ty chứng khoán sẽ yêu cầu NĐT nộp thêm tiền vào tài khoản hoặc bán bớt chứng khoán có trong tài khoản để nâng tỷ lệ ký quỹ lớn hơn hoặc bằng tỷ lệ ký quỹ ban đầu.

Những rủi ro có thể gặp phải khi sử dụng margin

Khi sử dụng margin mà cổ phiếu đi xuống và vượt quá tỷ lệ ký quỹ duy trì NĐT sẽ phải nộp thêm tiền vào tài khoản hoặc bán chứng khoán đã mua để nâng tỷ lệ ký quỹ duy trì. Nếu giá cổ phiếu vẫn xuống thì tình huống này cứ lặp đi lặp lại làm cho tài khoản của NĐT bị bào mòn một cách nhanh chóng. Khả năng bị Margin call cho tới cháy tài khoản là khá nhiều khi sử dụng đòn bẩy tài chính để mua cổ phiếu trong thị trường giá giảm, hệ lụy tiếp theo là bất lực nhìn các cơ hội tuyệt vời nhất trôi qua mà ko còn khả năng mua, bỏ qua những vùng giá hấp dẫn nhất khi cổ phiếu trở nên quá rẻ so với thị trường. Sau đó là giai đoạn chấn thương tâm lý kéo dài dẫn tới mất khả năng ra những quyết định sáng suốt và hiệu quả, mất tiền chỉ là một phần, day dứt vì thua lỗ và nuối tiếc vì lỡ cơ hội còn khiến nhà đầu tư đau đớn hơn.

Đọc thêm  Các khái niệm và thuật ngữ chứng khoán

Nếu cổ phiếu đi ngang không tăng mà cũng không giảm trong một thời gian dài thì NĐT vẫn phải trả lãi khoản vay margin với lãi suất trung bình khoảng 14%/năm.

Khi một cổ phiếu gặp khủng hoảng về vấn đề quản trị, sản phẩm hoặc đột nhiên báo cáo lỗ trong một kỳ kinh doanh nào đó, chứng khoán đó sẽ bị các công ty chứng khoán giảm tỷ lệ cho vay hoặc cắt margin một cách đột ngột sẽ khiến NĐT phải bán bằng mọi giá sẽ làm cho cổ phiếu chịu áp lực cung lớn sẽ giảm mạnh hơn.

Hiện nay, lãi suất cho vay ký quỹ của các CTCK giao động từ 11%-14%, như vậy nếu tỷ lệ lợi nhuận trên vốn đầu tư của nhà đầu tư không lớn hơn tỷ lệ lãi suất vay ký quỹ, thì nhà đầu tư coi như bị thua lỗ. Mặt khác, tỷ lệ lãi suất này cũng chiếm một phần lớn trong lợi nhuận của nhà đầu tư nếu đầu tư có lời, như vậy, chỉ riêng khoản phí giao dịch và lãi vay margin đã “bào mòn” một cách vô hình tài khoản của nhà đầu tư trong năm qua một số tiền khá lớn.

Sử dụng margin như nào cho hiệu quả

Chỉ sử dụng margin khi thị trường thuận lợi và cổ phiếu đang ở trong xu hướng tăng giá. Tuyệt đối không dùng margin khi cổ phiếu đang trong một xu hướng giảm hoặc đi ngang. NĐT có thể sử dụng các chỉ báo phân tích kỹ thuật như: đường xu hướng, các đường MA, Bolinger band, MACD để xác định xem cổ phiếu đang ở giai đoạn nào. Nếu CP đang trong xu hướng tăng giá thì mới xem xét sử dụng margin.

Đọc thêm  Quy định giao dịch sàn HOSE, HNX, UPCOM

Khi cổ phiếu gặp vấn đề về khủng hoảng hãy thoát khỏi trạng thái margin ngay lập tức vì trong ngắn hạn cổ phiếu sẽ giảm mạnh vì tâm lý bi quan của NĐT và các công ty chứng khoán giảm hoặc cắt margin hàng loạt.

Dùng Margin với tỷ lệ cao cũng giống như chất kích thích và gây nghiện, nó làm cho nhà đầu tư cực kỳ hưng phấn khi cổ phiếu vào sóng tăng và cực kỳ bi quan khi cổ phiếu giảm mạnh. Xu hướng thị trường là bạn của ta, hãy sử dụng margin chỉ khi thị trường thuận lợi.

Cách sử dụng hiệu quả đòn bẩy tài chính là khi trừ đi các chi phí lãi vay ký quỹ, nhà đầu tư vẫn có lợi nhuận và chỉ dùng khi thị trường rõ xu hướng và có chiến lược rõ ràng. Đối với những nhà đầu tư mới tham gia thị trường, cách tốt nhất là hạn chế dùng margin trong mỗi lần giao dịch, khi “tồn tại” ở thị trường được từ 3-5 năm thì mới nên sử dụng với tỷ lệ nhỏ và phải có chiến lược quản lý vốn hợp lý trước khi vào lệnh.

Chungkhoanviet.net