Những sai lầm thường gặp trong đầu tư

0
2177

Trong cuộc sống cũng như trong đầu tư chứng khoán, bạn dậm chân tại chỗ hay đi thụt lùi chủ yếu là vì những sai lầm hay điểm yếu mà bạn chưa nhận ra và chưa nghiêm túc tự sửa chữa chúng. Đa số mọi người toàn viện lý do khách quan hay đổ lỗi cho người khác về sự thất bại của chính mình. Lý do NĐT thường bị thua lỗ hoặc hiệu quả kém và không chắc chắn đơn  giản là do NĐT đã phạm quá nhiều sai lầm. Khi bạn chăm chỉ học hỏi, bạn đọc nhiều sách và tài liệu  để biết được các NĐT khác đã sai lầm ở đâu, bạn có thể tránh được các sai lầm đó và đi tắt tới thành công! Chúng tôi sẽ đề cập chi tiết vào các lỗi hay gặp nhất ở phần này với mục đích là giúp các NĐT mới có thể tránh được trong quá trình đầu tư:

Tóm tắt nội dung

1. Không mạnh dạn cắt lỗ.

Bạn nên định ra ngưỡng cắt lỗ ngay từ khi bạn chưa mua cổ phiếu. Tâm trí con người tỉnh táo nhất là lúc chưa mua bán gì cả. Khi bạn đã nhập cuộc vào thị trường rồi thì bạn bắt đầu bị lạc vào “mê hồn trận”, day dứt giữa hai thái cực: sợ hãi và tham lam. Nỗi sợ hãi làm cho bạn muốn bán và lòng tham khiến bạn muốn giữ cổ phần. Nếu bạn không mạnh dạn cắt lỗ như nguyên tắc đã định có thể sẽ làm bạn lỗ rất nặng và khi đó việc hồi lại vốn sẽ rất khó khăn và lâu dài. Do vậy, dù giá có giao động ra sao thì vẫn phải tuân thủ tuyệt đối chiến lược của mình, không được đổi ý giữa chừng trong trạng thái tâm lý giao động. Đối với một NĐT thì quan trọng nhất là đừng nghĩ làm gì khi thắng mà là làm gì để hạn chế  lỗ – bảo toàn vốn. Còn vốn thì còn hy vọng, một khi lỗ hết vốn thì những cơ hội về sau nếu có cũng như không. Cũng chính vì thế mà NĐT thiên tài Warren Buffett cho rằng nguyên tắc số 1 là “không để mất tiền” và ông cũng khuyên rằng hãy luôn ghi nhớ những sai lầm để không bao giờ mắc phải chúng lần nữa. Một sai lầm hay gặp đó là NĐT ngắn hạn khi bị lỗ đã cố chuyển sang đầu tư dài hạn. William J. O’Neil cho rằng lỗi mà nđt hay gặp phải nhất là: “cố chấp giữ nhưng cổ phiếu thua lỗ trong khi chúng đang có rất ít giá trị và lý lẽ”. Nếu bạn không tìm được cơ hội thì cứ quan sát tiếp và đừng đem tiền mua cho bằng được một thứ gì đó rồi ân hận. Người háo thắng nên tự kiềm chế mình bằng cách không tính đến tiền thắng mà chỉ chú ý đến số tiền bị lỗ. Trong cả một danh mục đầu tư, nđt sẽ sẵn sàng bán cp có lãi và giữ lại cp đang bị lỗ, đây chính là sự “ám ảnh thua lỗ” mà nđt mới hay gặp phải. Bạn nên mạnh dạn bán đi cp yếu nhất và giữ lâu nhất cp đang khỏe nhất.

2.Chọn người tư vấn hay môi giới sai.

Trong đầu tư, NĐT thường tham khảo qua người quen hay môi giới để tư vấn thêm cho mình trong việc lựa chọn cổ phiếu hay phương pháp đầu tư. Nếu bạn hỏi người không có nhiều kinh nghiệm, hay đang say máu cổ phiếu nào đó thì có thể tư vấn cho bạn sai cổ phiếu hoặc sai phương pháp đầu tư. Nhà môi giới thì luôn mong bạn giao dịch càng nhiều càng tốt nên họ thích bạn lướt sóng, nhưng lướt sóng thì bấp bênh. Hoặc môi giới ít kinh nghiệm sẽ tư vấn cho bạn phương pháp đầu tư không phù hợp, ít an toàn và làm bạn dễ bị thua lỗ. Mua cổ phiếu dựa trên những lời mách nước, tin đồn… tức là bạn đã quá mạo hiểm khi dễ dàng mang tiền mồ hôi nước mắt của mình để đầu tư vào cổ phiếu mà mình không nắm rõ.

Một sai lầm khác là NĐT nghe theo quá nhiều chuyên gia tư vấn nên mất đi định hướng của bản thân.

3.Đầu tư vượt khả năng của mình.

Bạn chỉ nên đầu tư  một phần số tiền bạn đang có và bạn không cần nó trong một thời gian dài. Bạn cũng chỉ nên đầu tư số tiền phù hợp với kinh nghiệm và năng lực của bạn. Có rất nhiều NĐT sau nhiều năm giao dịch mới rút ra bài học là: “Nếu cho tôi 6 tiếng để chặt một cái cây thì tôi sẽ dành 4 tiếng để mài sắc cái rìu trước!”. Nhiều NĐT chỉ tìm hiểu cách để mở tài khoản chứng khoán và cách để giao dịch mà bỏ qua phần quan trọng nhất là kiến thức cần thiết để đầu tư. Họ rất ngại, rất lười tìm hiểu, không chịu học hỏi. NĐT thiên tài Buffett  cho rằng khoản đầu tư tốt nhất chính là đầu tư vào năng lực của bản thân. William J. O’Neil cũng cho rằng: “Lý do người ta thường bị thua lỗ hoặc chỉ đạt được những kết quả tầm thường trên thị trường đơn giản là do người ta phạm quá nhiều sai lầm”. Có nhiều người nông nổi vay mượn tiền chơi chứng khoán, hoặc mới đầu tư nhưng đã vay margin. Như vậy  về mặt tâm lý thì họ đã tự đưa mình vào thế bất lợi, bắt buộc phải « thắng đậm » để trả lại số tiền vay mượn. Trạng thái này dẫn đến những hành động không minh mẫn và thiếu thận trọng, càng thua càng muốn gỡ gạc, cay cú sát phạt lớn. Thái độ như vậy rất nguy hiểm cho người mới tập tành chơi chứng khoán. Các sai lầm và thất bại của mình đều do mình kém hiểu biết về việc mình làm. Đầu tư cổ phiếu cũng vậy, bạn chỉ nên đầu tư vào cổ phiếu nào, ngành nào bạn hiểu rõ. Và chỉ đầu tư số vốn tương ứng với khả năng của bạn. Một anh nông dân không thể quản lý tốt số vốn 100 tỷ đồng giống như một nhà kinh tế được. Một NĐT mới cũng vậy, ban đầu chỉ nên đầu tư một khoản tiền nhỏ và sau đó tăng dần lên theo kinh nghiệm và khả năng của mình. Bạn sẽ sai lầm lớn nếu muốn kiếm tiền nhanh chóng và dễ dàng trong khi thiếu sự chuẩn bị thiết yếu nhất cho việc đầu tư của mình. NĐT có thể tìm hiểu về các sách hữu ích nhất cho đầu tư chứng khoán qua đường link sau:

Đọc thêm  Tính giá tham chiếu của cổ phiếu trong ngày giao dịch không hưởng quyền

4.Bán cổ phiếu khỏe trước, giữ lại cổ phiếu yếu bán sau.

Đây là một lỗi mà rất nhiều người mắc phải. Trong danh mục đầu tư của mình, đa phần NĐT sẽ muốn bán cổ phiếu đã có lời hay đang tăng giá khỏe hơn là muốn bán cổ phiếu đang yếu hay xuống giá. Nhưng thường thấy rằng thị trường lại ngược lại. Cổ phiếu đang khỏe thì nhiều khả hơn sẽ tiếp tục khỏe và cổ phiếu đang yếu thì nhiều khả năng hơn sẽ tiếp tục yếu hơn. Do đó, khi cần tăng tỷ trọng tiền mặt bằng việc bán ra cổ phiếu, NĐT nên chọn các cổ phiếu yếu hơn để bán ra trước và các cổ phiếu khỏe nhất sẽ bán sau cùng. Gần tương tự như lỗi này là việc NĐT bán hết các cổ phiếu đã có lời hoặc đang lên mạnh và dồn toàn bộ tiền vào mua một cổ phiếu đã xuống mạnh vì cho rằng cổ phiếu đó đã rất rẻ và sẽ bật lại tốt. Nhưng NĐT sẽ nghiệm thấy rằng cổ phiếu đang yếu thì phần nhiều sẽ tiếp tục yếu và sẽ khó biết được cổ phiếu đó còn xuống tới đâu. Những cổ phiếu đang tăng tốt là CP có dòng tiền khỏe hay đó là những cổ phiếu dẫn dắt. Nếu ngay cả các cổ phiếu khỏe dẫn dắt mà bạn cũng không kiếm được tiền thì bạn sẽ khó có thể kiếm tiền được từ các cổ phiếu khác yếu hơn.

5. Giao dịch đi ngược xu hướng chính của thị trường hoặc xu hướng thị trường không rõ ràng và nghĩ mình luôn có lý đúng.

Khi xu hướng chính của thị trường là đi xuống thì dù có những đợt phục hồi cũng rất yếu ớt, giá cổ phiếu lúc này xuống là nhiều mà tăng lại thì rất ít. Khi đó nếu bạn lại tập trung mua và nắm giữ cổ phiếu thì sẽ rất rủi ro. ”Xu hướng là người bạn đường”- thị trường có xu hướng rõ ràng thì các nhà đầu tư có thể dễ dàng kiếm tiền nếu nương theo xu hướng thịnh hành. Mặt khác khi thị trường đi ngược hướng của bạn thì thị trường sẽ luôn luôn có lý chứ không phải là lý hay lòng tự ái của bạn. Nhiều người nghiên cứu thị trường rồi …tự quyết định rằng thị trường đang lên hay đang xuống. Dù NĐT cá nhân có tiền bạc đến đâu đi chăng nữa thì cũng chỉ là những con « tép riu » so với những NĐT tạo lập có nguồn tài khoản dồi dào từ những quỹ đầu tư có thể làm mưa làm gió, nâng lên hay kéo xuống bất cứ cổ phần nào mà họ muốn. Khi họ quyết định bán cổ phần với một số lượng lớn thì bạn phải bán theo trước khi quá trễ dù cho bạn không hiểu lý do tại sao. Bạn nên luôn luôn nhớ rằng thị trường luôn luôn có lý dù cho đôi lúc bạn thấy nó rất bất hợp lý. Chính vì thế William J. O’Neil cho rằng: mua một cổ phiếu đang rớt giá là việc làm đảm bảo sẽ đem lại những kết quả tồi tệ.

Nhiều NĐT như bị thị trường cám dỗ mê mẩn, ngày nào họ cũng mua bán mà không rõ thị trường đang xu hướng thế nào. Họ giao dịch mà không có một phương pháp đầu tư rõ ràng hoặc không giữ vững được nguyên tắc đầu tư đã định trước. Đối lập lại, NĐT chuyên nghiệp sẽ thường đứng ngoài quan sát, khi minh mẫn nhìn rõ được xu hướng vận động của thị trường họ mới giao dịch nương theo xu hướng đó.

6. Mua trung bình giá giảm thay vì mua trung bình giá tăng.

Nếu bạn mua một cổ phiếu tại mức giá 50 ngàn đồng sau đó giá cổ phiếu xuống và bạn mua thêm ở ngưỡng giá 45 ngàn đồng để giá mua trung bình giảm xuống. Khi đó, bạn đang theo chân những kẻ thất bại và ném tiền vào nơi tồi tệ. Mua cổ phiếu đang rớt giá hay thích mua dò đáy cổ phiếu chính là hành động nguy hiểm giống như bạn đang “bắt dao rơi”. Chiến lược nghiệp dư này có thể gây ra lỗ nặng cho bạn.

7. Mua lượng lớn cổ phiếu trà đá giá thấp thay vì lượng nhỏ cổ phiếu giá cao.

Nhiều NĐT thường thích với một lượng tiền nhất định thì sẽ mua cổ phiếu giá thấp để được số lượng lớn cổ phiếu  thay vì mua được lượng nhỏ cổ phiếu với giá đang cao. Họ đã quên rằng mình nên mua cổ phiếu có giá trị thay vì mua cổ phiếu giá rẻ. Cổ phiếu cũng như mọi hàng hóa khác đó là hàng tốt nhất thì không bao giờ có giá rẻ nhất, hay nói cách khác là “ tiền nào của ấy”. NĐT cần thấy rằng các cổ phiếu giá rẻ có thể rớt giá nhanh hơn so với đa số cổ phiếu giá cao, do đó chúng tiềm ẩn rủi ro lớn hơn. Mặt khác, đa số NĐT chuyên nghiệp và tổ chức không đầu tư vào các cổ phiếu giá thấp, vì vậy chúng sẽ không có sự bảo trợ tốt. Các cổ phiếu giá thấp thường là các cổ phiếu làm ăn kém, đang gặp khó khăn gì đó. Các NĐT chuyên nghiệp thường tránh tối đa các nhiễu của thị trường khi lựa chọn một cổ phiếu.  Họ cũng thường tránh xa nhất những rủi ro có thể có, do đó cổ phiếu đang giá thấp đáng ngờ, đang làm ăn kém, đang nhiều tin tức hỗn loạn, đang chuyển đổi ngành nghề…là các đối tượng nên tránh.

8. Mua cổ phiếu dựa vào ít tiêu chí hoặc tiêu chí ít có giá trị.

Nhiều NĐT thường chọn mua cổ phiếu dựa vào tiêu chí cổ tức cao, hay P/E thấp, hay mô hình giá đang là hai đáy…Khi mua một cổ phiếu chúng ta phải xem xét trên nhiều khía cạnh, nếu đa phần đều ủng hộ mua thì NĐT có thể cân nhắc mua dần. Sẽ là sai lầm nếu nđt nhận thấy một khía cạnh nào đó ổn ví dụ như cổ tức cao mà vội vàng mua vào cổ phiếu. Trong nhiều trường hợp, một công ty càng trả cổ tức cao bao nhiêu thì có thể nó càng yếu bấy nhiêu. Hoặc một công ty có P/E thấp có thể là vì thành tích của công ty đó trong quá khứ quá kém cỏi. Hoặc một công ty có lịch sử giá đang hình thành mô hình hai đáy, nhưng khối lượng giao dịch lại không diễn biến hợp lý với mô hình này dẫn đến mô hình dễ bị sai.

Đọc thêm  Margin là gì? Lợi và hại khi sử dụng Margin

Một tình huống hay xảy ra khác là NĐT vội vàng mua bán dựa trên tin đồn, mách nước, trên các diễn đàn thông tin tài chính. Hãy coi chừng thông tin nội bộ vì nếu kiếm tiền dễ dàng đến vậy thì không ai dại gì dâng tiền vào túi bạn. Nói tóm lại, khi mua vào một cổ phiếu nào đó, NĐT cần xem xét trên nhiều khía cạnh có giá trị để việc quyết định mua hay bán được chính xác nhất. NĐT cần có bộ nguyên tắc rõ ràng về lý do mua hay bán cổ phiếu. NĐT cần biết những gì mình sở hữu và tại sao lại sở hữu chúng.

9. Mua những tên tuổi “lão làng” mà bạn đã quen thuộc.

Chỉ vì bạn đã giao dịch VNM, CTD, SJS… lâu năm, bạn đã quen thuộc những cổ phiếu này  nên bạn sẽ trung thành và tiếp tục đầu tư nó, bạn ngại mua bán sang cổ phiếu khác. Đó chính là một sai lầm mà nhiều NĐT bảo thủ hay gặp phải. Bạn không thể kinh doanh phát đạt quần áo mùa hè khi thời tiết đang là mùa đông được. Cổ phiếu cũng vậy, mỗi quý, mỗi năm lại có một vài ngành làm ăn tốt và dòng tiền thông minh sẽ chảy vào đó. Hiệu quả đầu tư của bạn sẽ kém cỏi nếu bạn mua vào cổ phiếu lão làng mà bạn quen thuộc đang làm ăn không  xuất sắc, không có triển vọng tốt và không có dòng tiền vào giao dịch.

Cũng vì thói quen này mà bạn dễ đánh giá cổ phiếu thiếu khách quan. Thay vì dựa vào niềm hy vọng và những quan điểm cá nhân của riêng mình, các NĐT thành công chỉ chú ý đến thị trường, vì thị trường gần như luôn đúng.

10. Không sử dụng biểu đồ và mong kiếm tiền nhanh.

Biểu đồ sẽ giúp bạn thấy được nhiều nội dung cần thiết để hiểu được cổ phiếu đang trong trạng thái thế nào. Đơn giản như nếu cổ phiếu đang tăng manh, khối lượng khớp lệnh đang ở mức cao cho thấy NĐT đang quan tâm và giao dịch hưng phấn cổ phiếu đó, lúc đó nếu bạn bắt đầu mua cổ phiếu đầu tư trung hạn thì có thể đã muộn. Ngược lại, nếu cổ phiếu đã giảm mạnh và khối lượng giao dịch đang rất ít cho thấy thị trường đã cạn kiệt lực xuống. Lúc này bạn lại bán ra cổ phiếu thì có thể bạn sẽ bán đúng đáy. Do vậy, việc nắm bắt và hiểu về diễn biến vận động của cổ phiếu thông qua xem biểu đồ là rất cần thiết.

Đa phần NĐT sẽ nghĩ rằng đầu tư vào cổ phiếu là một kênh kiếm tiền nhanh chóng hơn các kênh khác. Tuy nhiên, thực tế không hẳn là vậy. Đầu tư cổ phiếu hiện nay khá dễ dàng, linh hoạt và phù hợp với đa phần NĐT , nếu bạn mua vào đúng thời điểm trong một vài trường hợp thì việc kiếm lời cũng khá nhanh. Tuy nhiên, đa phần không phải dễ dàng và nhanh chóng như bạn kỳ vọng. Bạn muốn đi nhanh thì sẽ không bền và dễ sai lầm, dễ rủi ro. Để an toàn và hiệu quả, bạn cần kiên nhẫn chờ đợi những cơ hội thực sự hấp dẫn khi một cp tốt đã giảm khá(15-25%) nhưng cơ hội này chỉ xuất hiện hai ba lần trong một năm. Do đó, bạn cần loại bỏ dần tư tưởng thích đầu cơ, củng cố dần quan điểm đầu tư trong giao dịch cổ phiếu.

11. Lo lắng quá nhiều về thuế và phí giao dịch.

Những khoản thuế và phí giao dịch là rất nhỏ so với số tiền mà bạn có thể kiếm được nếu bạn dự đoán đúng được xu hướng của thị trường. Bạn sẽ sa vào vũng lầy nếu cố giữ cổ phiếu trong tài khoản chỉ vì tiếc phí và thuế giao dịch thay vì phải bán cổ phiếu ra đúng lúc để giữ tiền mặt. Với lượng tiền mặt thường trực, bạn có thể tự bảo vệ bản thân, tránh rủi ro khi giữ cổ phiếu và tận dụng những cơ hội mà thị trường luôn mang lại.

12.Bạn chỉ tập trung vào việc mua cổ phiếu mà không có kế hoạch cụ thể khi nào cần phải bán cổ phiếu.

Hầu hết NĐT mới chỉ thực hiện phân nửa công việc cần làm để thành công khi đầu tư cổ phiếu. Họ chỉ chuẩn bị mua cổ phiếu mà không có một kế hoạch cụ thể để sẵn sàng cho việc bán cổ phiếu. Đối với NĐT chuyên nghiệp, trước khi mua cổ phiếu họ đã vẽ ra các kịch bản giá cổ phiếu sau đó để thực hiện chốt lời dần hay cắt lỗ và kiên quyết làm theo kế hoạch đã định.

Nhiều NĐT thiếu khả năng định hướng khi cần đưa ra quyết định mua bán. Đa số NĐT  này không tuân theo một kế hoạch hay nguyên tắc mua bán để dẫn dắt họ đi đúng hướng. Ở nhiều thời điểm, NĐT không biết họ nên mua, bán hay tiếp tục giữ cổ phiếu. Điều này dẫn tới nhiều khi họ bị tâm lý đám đông ảnh hưởng và làm mất đi sự sáng suốt trong quyết định mua bán.

13. Bạn rất tham lam khi sử dụng đòn bẩy cao, dùng đòn bẩy tối đa ngưỡng cho phép hoặc đánh cược phần lớn vốn vào thị trường phái sinh hay quyền chọn.

Bản chất con người là tham lam, rất nhiều NĐT đã phải trả giá rất đắt cho sự tham lam đó và phải mất thời gian dài sau đó NĐT mới rút được kinh nghiệm xương máu này. Trong chứng khoán, ở đa phần thời gian thì tiền mặt luôn là vua. Thị trường luôn có rất nhiều cơ hội và khi bạn có tiền bạn sẽ chớp được các cơ hội đó. Ngược lại, khi bạn mua hết tiền đặc biệt là đi vay tối đa đòn bẩy tài chính thì chẳng khác nào bạn đã tự trói mình và đưa con dao cho người khác tùy ý xử bạn. Một khía cạnh khác, khi bạn đầu tư hết số tiền bạn có và đi vay tối đa tức là  bạn đang đặt cược một thương vụ lớn. Thương vụ này sẽ ảnh hưởng lớn tới tâm lý của bạn, nó làm bạn căng thẳng và mất đi sự minh mẫn bình thường. Cũng chính vì vậy nó đẩy bạn từ sai lầm này nối tiếp sai lầm khác. Và phần lớn chỉ trong một thời gian ngắn nó sẽ cướp đi thành quả mà bạn rất lâu mới kiếm được.

Đọc thêm  Hướng dẫn cách đầu tư chứng khoán cho người mới

14. Mua bán cổ phiếu chỉ trong một lần giao dịch

Một lỗi khá phổ biến là bạn quá vội vàng khi mua bán cổ phiếu chỉ trong  một lần giao dịch. Bạn không thể là thiên tài để dự đoán đúng được đỉnh hay đáy của một cổ phiếu. Do đó, nếu bạn mua hay bán hết tiền hay cổ phiếu rồi thì khi cổ phiếu rẻ hơn hoặc đắt hơn, bạn sẽ không còn tiền hay cổ phiếu để mua bán nữa. Lúc đó, bạn sẽ thấy rất tiếc vì bạn đã quá vội vàng.  Bạn cần phân lượng tiền hay cổ phiếu ra làm hai hay ba lần giao dịch với nguyên tắc định sẵn về khoảng cách thời gian và diễn biến giá. Làm như vậy bạn sẽ tránh bị hớ khi mua bán và an toàn hơn cho tài khoản của bạn. Do vậy, bạn hay luôn tỉnh táo trước lòng tham của chính mình.

15. Ít giao dịch theo “giá thị trường” và coi trọng “giá” hơn ”thời điểm”

Đa phần NĐT thích đặt ra những định mức giới hạn về giá cho các lệnh mua bán. Khi đó, NĐT sẽ để ý về giá nhiều hơn là sáng suốt nhìn ra vận động của thị trường. Giá mà bạn đặt ra khó có thể là giá mà thị trường chấp nhận. Dẫn tới NĐT sẽ bỏ lỡ mất cơ hội khớp được giá mua hay bán hợp lý.

Tương đồng như vậy đó là NĐT để ý nhiều tới giá cổ phiếu đang cao hay thấp mà ít để tâm tới thời điểm mua có hợp lý hay không. Một NĐT chuyên nghiệp sẽ coi trọng thời điểmmua bán hơn là giá mua bán. Bởi thời điểm mua bán chuẩn sẽ giúp bạn có lời ngược lại nếu bạn mua sai thời điểm thì dù mua được giá rẻ cũng vẫn bị lỗ. Các NĐT chuyên nghiệp cũng thường mua bán vào thời điểm cuối phiên giao dịch sau khi xu hướng đã rõ ràng hơn là chọn mua bán vào đầu phiên giao dịch khi diễn biến giá còn khá mơ hồ.

16. Mua cổ phiếu có thanh khoản quá thấp và mua chỉ một cổ phiếu duy nhất.

Đầu tư vào cổ phiếu có thanh khoản thấp cũng là cổ phiếu mà dòng tiền thị trường ít vào. Những cổ phiếu này thường giao dịch rất tẻ nhạt và dễ bị chi phối về giá. Mặt khác, khi bạn muốn mua hay bán cổ phiếu thanh khoản thấp bạn sẽ cần phải trả giá bất lợi cho mình để được khớp lệnh tức là bạn đã tự hy sinh đi một phần lợi nhuận. Mặc dù có thể bạn  thừa biết rằng kiếm tiền trên thị trường chứng khoán không phải dễ dàng.

Một lỗi cơ bản khác mà không ít NĐT gặp phải đó là chỉ đầu tư duy nhất vào một hoặc hai cổ phiếu. Có câu nói quen thuộc là “trứng không cho vào một giỏ”. Nếu bạn đầu tư cổ phiếu theo cách này tức là bạn đã chấp nhận rủi ro cao về mình. Khi toàn bộ tiền của bạn đánh cược vào một hay hai cổ phiếu, nếu cổ phiếu đó giảm giá mạnh sẽ làm bạn thua lỗ nặng nề.  Ngoài ra nó còn làm ảnh hưởng lớn đến tâm lý của bạn, có thể làm cho các quyết định sau đó của bạn tiếp tục gặp sai lầm. Trái ngược với trạng thái này là việc bạn mua quá nhiều cổ phiếu trong danh mục của mình. Khi đó bạn sẽ khó quản lý hiệu quả được toàn bộ danh mục và bạn sẽ gặp khó khăn khi muốn bán ra các cổ phiếu đó nếu thị trường đột nhiên xuống mạnh. Do đó, đối với một NĐT cá nhân, bạn nên mua và nắm giữ trong cùng một thời điểm từ 3-5 cổ phiếu là phù hợp.

Ngược với trạng thái trên là NĐT thích mua nhiều loại cổ phiếu, một danh mục quá dài sẽ khó quản trị hiệu quả được và sẽ không xác định được đâu là cổ phiếu chủ lực.

17. Mua, bán đuổi giá cổ phiếu.

Thị trường chứng khoán là thị trường mang nặng tính tâm lý. Nhiều NĐT đã bị cảm xúc chi phối, họ mua bán chạy theo đám đông.  Họ rất hứng khởi (hoặc hoang mang) để mua đuổi vào (hay bán ra) các cổ phiếu đang tăng (hay giảm) mạnh. Nhiều NĐT sẵn sàng mua khi cổ phiếu đã tăng trên 5% so với mặt bằng tích lũy, đây là ngưỡng NĐT lướt sóng nhanh đang chờ để bán ra chốt lời nên sẽ có nhiều rủi ro cho người bắt đầu mua vào cổ phiếu. Hoặc họ hoang mang và bán vội ra khi cổ phiếu nắm giữ đã giảm trên 20%. NĐT đó đã bị cảm xúc chi phối mạnh mẽ và mất đi sự tinh tường cần có khi tham gia thị trường. (Sách về tâm lý thị trường ck bấm vào đây).

18. Ít rà soát và cơ cấu lại danh mục đầu tư.

Có rất nhiều NĐT khi bị lỗ hoặc xác định nắm giữ cổ phiếu thời gian dài thì thường không để ý rà xoát lại tài khoản hay cơ cấu lại danh mục. Họ cứ mặc kệ và nắm giữ những cổ phiếu đang có năm này sang năm khác. Điều này dẫn tới có nhiều cổ phiếu có thể làm ăn kém đi, thanh khoản kém đi và có thể bị cho vào diện kiểm soát hay ngừng giao dịch. Lúc đó, lỗ sẽ rất lớn hoặc bạn muốn bán cổ phiếu ra cũng khó. Bạn nên có trách nhiệm với chính từng đồng vốn đầu tư của mình bằng cách mỗi quý cần để ý cổ phiếu đó làm ăn có tốt không qua báo cáo quý. Nếu báo cáo không tốt bạn có thể bán ra cổ phiếu đó và thay bằng cổ phiếu tốt hơn.

Những nguyên tắc và phương pháp kém cỏi đương nhiên sinh ra kết quả kém cỏi; những nguyên tắc và phương pháp đúng đắn luôn sinh ra kết quả tốt. NĐT cần củng cố những điểm yếu cho đến khi nào chúng trở thành điểm mạnh của bạn. Cần phải có thời gian và nỗ lực để có thể làm được điều đó và khi đã làm được, nó sẽ mang lại cho bạn kết quả vô cùng xứng đáng! Xin chúc NĐT giao dịch thành công!